Hoạt động của tội phạm công nghệ cao thường để lại những dấu vết trong các thiết bị điện tử mà chúng đã sử dụng để gây án hoặc xâm nhập trái phép. Điều 64 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 chưa có qui định loại chứng cứ tồn tại dưới dạng tín hiệu điện tử. Để xác lập chứng cứ về tội phạm sử dụng công nghệ cao, cần bổ sung một loại chứng cứ mới là chứng cứ điện tử. Dấu vết điện tử là một loại dấu vết mới, được phần mềm trong thiết bị kỹ thuật số tạo ra một cách tự động, tồn tại dưới dạng những tín hiệu điện tử, được lưu giữ trong bộ nhớ của các thiết bị điện tử một cách tự động, khách quan. Những dấu vết điện tử trong bộ nhớ kỹ thuật số này có thể được phát hiện, thu thập, bảo quản dưới dạng tín hiệu điện tử trên ổ cứng, đĩa CD, USB... hoặc in ra giấy để làm chứng cứ pháp lý sử dụng trước tòa án. 
Chứng cứ điện tử là những chứng cứ được lưu giữ dưới dạng tín hiệu điện tử trong máy tính hoặc trong các thiết bị có bộ nhớ kỹ thuật số có liên quan đến vụ án hình sự.
Những chứng cứ điện tử có thể thu thập được để chứng minh hành vi phạm tội bao gồm:
- Những chứng cứ điện tử do máy tính tự động tạo ra như: “cookies”, “URL”, E-mail logs, web server logs…
- Những thông tin điện tử do con người tạo ra được lưu giữ trong máy tính hoặc các thiết bị điện tử khác, như các văn bản, bảng biểu, các hình ảnh, thông tin… được lưu giữ dưới dạng tín hiệu điện tử.
Để thu thập được những dấu vết điện tử này, cần sử dụng kỹ thuật, công nghệ máy tính và phần mềm phù hợp để có ethể phục hồi lại những “dấu vết điện tử” đã bị xóa, bị ghi đè, những dữ liệu tồn tại dưới dạng ẩn, đã mã hóa, những phần mềm, mã nguồn được cài đặt dưới dạng ẩn, để làm cho có thể đọc được, ghi lại dưới hình thức có thể đọc được và có thể sử dụng làm bằng chứng pháp lý trước tòa án.
Đây là những hình thức biểu hiện mới của chứng cứ, cần phải được bổ sung vào Bộ luật Tố tụng Hình sự. Để đáp ứng yêu cầu này cần có những quy định cụ thể về về thủ tục tố tụng hình sự đối với việc thu thập, bảo quản, phục hồi và giám định chứng cứ điện tử cũng như về giải pháp kỹ thuật để có thể sử dụng chứng cứ điện tử làm bằng chứng chứng minh tội phạm.   
Cần bổ sung, sửa đổi thủ tục khám xét, thu giữ vật chứng, chứng cứ điện tử như sau:
 - Qui định quyền và thủ tục khám xét, thu giữ máy tính và các thiết bị kỹ thuật số có lưu chứng cứ điện tử;
- Qui định quyền yêu cầu cung cấp dữ liệu máy tính, quyền và thủ tục thu giữ và lưu giữ chứng cứ điện tử đối với các nhà cung cấp dịch vụ internet, chủ sở hữu máy tính; 
- Quy định cụ thể quyền yêu cầu cung cấp thông tin trên máy tính dưới dạng có thể mang đi, hữu hình và đọc được. Điều này rất quan trọng vì với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và viễn thông, đòi hỏi các nhà cung cấp dịch vụ thường xuyên phải đầu tư rất lớn về công nghệ. Cơ quan điều tra không thể tự đầu tư thiết bị để tìm, thu thập, chặn bắt thông tin và đặc biệt là chuyển thông tin ở dạng kỹ thuật số, như giao thức IP sang dạng thông tin có thể đọc, nghe, nhìn được.
- Qui định quyền truy cập và lấy dữ liệu phục vụ công tác điều tra.
- Qui định bảo quản dữ liệu điện tử đã được truyền tải qua mạng máy tính, đặc biệt là dữ liệu có nguy cơ bị mất hoặc sửa đổi, để bắt buộc người quản lý máy tính giữ bí mật, bảo quản và lưu giữ sự toàn vẹn của dữ liệu máy tính trong một khoảng thời gian cần thiết, tối đa là 90 ngày, để cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm và thu giữ những thông tin có liên quan đến vụ việc.
- Qui định về quyền yêu cầu cung cấp thông tin thuê bao, thông tin truy cập, thông tin các cuộc gọi và những thông tin khác có liên quan đến vụ việc đối với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, internet.


Lược trích bài viết của TS. Trần Văn Hòa - Phó cục trưởng Cục C50 trong hội thảo "“Phòng chống tội phạm truyền thống và tội phạm phi truyền thống trong điều kiện hội nhập quốc tế”". Bản thân tôi chưa dám đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này


0 comments to "Chứng cứ điện tử là gì?"

Post a Comment